Khi nhắc đến phụ nữ mang thai, chúng ta thường nghĩ đến việc ốm nghén nhưng có một triệu chứng khác mà có đến 90% thai phụ mắc phải đó chính là đau lưng thai kỳ và đau cột sống. Vấn đề này xảy ra từ tháng thứ 6 mang thai khiến cho mẹ bầu luôn cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Khi tâm trạng và sức khỏe của các mẹ không tốt sẽ rất dễ làm ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Vậy mẹ bầu làm gì để cải thiện tình trạng này? Tham khảo bài viết dưới đây để có được lời giải đáp các mẹ nhé!
1. Vì sao phụ nữ mang thai dễ bị đau lưng?
Mang thai là thiên chức của mỗi phụ nữ. Tuy nhiên, vì những thay đổi của cơ thể trong quá trình phát triển của thai nhi mà cơ thể mẹ sẽ xuất hiện nhiều vấn đề như đau mỏi xương khớp, ốm nghén, ợ chua… Trong đó, đau lưng thai kỳ là triệu chứng phổ biến thường gặp ở hầu hết phụ nữ mang thai và cả sau sinh (6 tháng đầu). Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra gồm:
- Tăng cân: Yếu tố đầu tiên là do khi mang thai, cân nặng của phụ nữ thay đổi đột ngột, phần bụng nhô lên về phía trước và lớn dần trong thai kỳ đã tạo ra một áp lực khá lớn đối với cột sống.
- Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, cơ thể bạn tạo ra một loại hormone có tên là relaxin. Hormone này cho phép các dây chằng ở vùng xương chậu giãn ra, các khớp trở nên lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Chính vì thế, các cơn đau lưng rất dễ xuất hiện.
- Căng dãn cơ: Khi tử cung mở rộng do thai nhi phát triển trong bụng mẹ, cơ bụng thẳng bị căng dãn ra dọc theo đường nối trung tâm, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng đau lưng.
- Cảm giác căng thẳng: Trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 của thai kỳ, cơ thể bắt đầu có những biến đổi rõ rệt sẽ làm cho các mẹ có cảm giác lo lắng. Đặc biệt là đối với những ai lần đầu làm mẹ thì đây là cảm xúc khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cảm giác này có thể gây nên sự căng cơ ở lưng, các mẹ sẽ cảm thấy đau lưng hoặc co thắt lưng.
2. Ảnh hưởng của đau cột sống với thai phụ
Theo các nghiên cứu, khoảng 10% phụ nữ cho biết đau lưng khi mang thai khiến họ không thể làm việc và hơn 80% thai phụ bị ảnh hưởng đến khả năng làm việc hàng ngày. Triệu chứng đau lưng đã biến thai kỳ của các mẹ trở thành nỗi ám ảnh.
Cơn đau kéo dài khiến cho các vận động của mẹ bầu khó khăn và những hoạt động thường ngày trở nên nặng nề. Từ đó, tâm trạng mẹ bầu cũng bị thay đổi, dễ trở nên cáu gắt, khó chịu với mọi người. Tình trạng nghiêm trọng hơn, nhiều mẹ bầu có thể vì vấn đề đau mỏi cơ thể, không thể sinh hoạt như bình thường mà dẫn đến trầm cảm. Chất lượng cuộc sống vì vậy bị giảm sút mặt khác cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
3. Giải pháp điều trị đau lưng nào phù hợp với phụ nữ mang thai?
Đau lưng thai kỳ là nỗi niềm của hầu hết các chị em phụ nữ, tuy nhiên bạn có thể giảm thiểu cơn đau với nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ giảm đau lưng tại nhà mà các mẹ có thể áp dụng thử:
- Luyện tập thể thao vừa sức
- Không mang vác đồ nặng
- Mang giày đế thấp
- Chườm đá, massage vào vị trí đau
- Chọn tư thế ngủ thoải mái
Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ mang tính hỗ trợ tạm thời ngăn ngừa cơn đau, không thể giúp bạn điều trị chứng đau lưng thai kỳ tận gốc. Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm, vì thế bạn không thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hay những biện pháp tác động thông thường để điều trị cơn đau một cách tùy tiện vì sẽ rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Để hạn chế các cơn đau và trải qua thai kỳ nhẹ nhàng hơn, bạn có thể tìm đến các bác sĩ Chuyên khoa Thần kinh Cột sống để thực hiện phương pháp nắn chỉnh cột sống bằng tay – Trị liệu Thần kinh Cột sống (Chiropractic).
Phương pháp này được đánh giá là liệu pháp điều trị lành tính, không sử dụng thuốc hay phẫu thuật nên sẽ không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Tại Mỹ và châu Âu có nhiều bà bầu đã áp dụng phương pháp này để quá trình mang thai trở nên thoải mái hơn, các bà mẹ sẽ không còn phải chịu đựng cơn đau mỗi ngày.
Đã có nhiều nghiên cứu từ Mỹ chứng minh rằng việc áp dụng phương pháp Trị liệu Thần kinh Cột sống cho phụ nữ mang thai sẽ mang đến rất nhiều lợi ích:
- Giảm triệu chứng buồn nôn và trào ngược dạ dày
- Chữa đau lưng thai kỳ
- Điều chỉnh khung xương chậu bị lệch, định hình vị trí thai nhi tốt hơn
- Giảm nguy cơ sinh mổ
- Giảm thời gian đau khi sinh con
- Giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau

(Theo Hellobacsi)