Nhiều người vẫn hay bảo “người Việt chưa biết uống cà phê”, bạn có đồng tình với ý kiến đó không?
Riêng tôi thì không. Nếu bảo “ít ai trong số người Việt chúng ta nhận biết được vị nguyên chất của cà phê” thì tôi đồng ý, còn về việc uống cà phê như thế nào là quyền của mỗi người.

Trên thế giới có trên 100 loại cà phê khác nhau, nhưng chủ yếu thuộc 2 nhóm chính là Arabica và Robusta. Nếu như Robusta – với cái tên của nó – mạnh, ngon, nhiều caffein, khiến bạn tỉnh tác cực kì thì với Arabica lại nhẹ nhàng hơn, chua nhẹ và có mùi hương đặc biệt quyến rũ. Nếu người phương Tây yêu thích cái mùi thơm quyến rũ kia cùng với vị chua nhẹ nhàng thì người Việt lại thích cái đắng của Robusta, đơn giản là mỗi người một khẩu vị.
Ở Việt Nam, nhiều người uống cà phê còn đam mê cả vị bơ, vị bắp nữa. Tôi xin bỏ qua những loại cà phê kém chất lượng, cà phê giả. Cái tôi muốn nói là cái vị cà phê rang cùng với một ít bơ, một ít bắp hay một ít đậu nành hay thậm chí là mỡ gà và nước mắm, để tăng mùi thơm và hương vị cho cà phê. Mấy đứa bạn tôi thích uống cà phê nhưng chẳng thích nổi “cái vị nguyên chất” của cà phê. Dưới quan điểm của tôi - một kỹ sư ngành “Công nghệ thực phẩm”, việc bổ sung bơ, bắp, đậu nành,...vào quá trình rang cà phê không hề có tác hại xấu đến sức khỏe như mọi người hay nói. Điều quan trọng, nhà sản xuất không được lừa dối người tiêu dùng, cần cung cấp thông tin minh bạch, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn một bộ phận khác thì thích cái vị nguyên chất của cà phê. Cà phê nguyên chất pha ra sẽ có màu nâu cánh gián, để ra ánh sáng ta sẽ thấy màu nâu hổ phách trông rất đẹp. Nếu chưa quen, cà phê nguyên chất có thể sẽ khiến bạn gặp đôi chút khó khăn trong những lần đầu; nhưng nếu đã quen rồi bạn sẽ khó lòng mà cưỡng lại được sức quyến rũ từ nó. Và khi đó bạn sẽ chính thức trở thành dân ‘nghiện cà phê”.

Tùy từng loại cà phê và tỷ lệ phối trộn mà cà phê bạn uống sẽ có những phong vị khác nhau. Nếu bạn thích “gu Tây” hãy tăng tỷ lệ cà phê Arabica lên bạn sẽ có một ly cà phê thơm nhẹ, vị chua thanh. Còn nếu bạn theo “gu Việt” hãy tăng tỷ lệ Robusta, bạn sẽ có được 1 ly cà phê thơm nồng, đậm đà.
Qua bài viết trên, tôi muốn gửi đến mọi người một nhắn nhủ: đừng vội đánh giá “gu cà phê” của người Việt, người thích vị này, người thích vị kia, hãy tôn trọng vị giác của họ.